About Me

Friday 19 February 2016

Miền đất thánh Ả Rập Xê Út




Hành trình của tôi đến thủ đô Riyadh, Ả Rập Xê Út bắt đầu vào những ngày mùa thu tháng 11. Mùa thu Ả Rập se lạnh, hanh khô nhưng cũng không kém phần rực rỡ trong ánh mặt trời Trung Đông hoà cùng tiếng kinh cầu từ những nhà thời địa phương. Ả Rập Xê Út là quốc gia lớn nhất tại bán đảo Trung Đông, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia “ nghiêm khắc” nhất về các nguyên tắc tín ngưỡng của người Hồi giáo.
Những căn nhà ở Hồi giáo thường rất rộng, khoảng 2 đến 3 tầng, được xây bởi loại gạch không nung.  Đây là loại gạch sử dụng chất liệu đất sét, cát, nước và cả rơm để phơi nắng tự nhiên. Gạch không nung trong kiến trúc là một trong những vật liệu lâu đời nhất, có khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Tôi có dịp được kiểm chứng vật liệu này trong chuyến thăm thị trấn cổ Raghbah do anh bạn bản xứ Nasser đáng mến giới thiệu. Thị trấn cổ Raghbah được hình thành từ năm 1669, được nói đến như một thị trấn màu mỡ bởi những cơn mưa dồi dào, nơi đây cách thành phố Riyadh khoảng 120 km, suốt dọc đường đi bạn sẽ được ngắm nhìn cảnh vật rất thú vị với những rặng chà là, những bụi cây nhỏ mọc trên những đụn cát và cồn thực vật đặc trưng trên sa mạc Trung Đông. Raghbah mang nét kiến trúc đậm chất Hồi giáo với nhà thờ cổ Al- Tali và tháp đồng hồ Marqab- nơi có thể nhìn ngắm toàn cảnh thị trấn từ trên cao. Nơi đây diễn ra những cuộc thanh giáo và phục hưng mang tính lịch sử của Hồi giáo cho đến nay còn lại những tàn tích sau cuộc xâm lược và tàn phá của người Thổ Nhĩ Kỳ vào thể kỷ 19.

Áo Abaya
Ngay từ khi đắt chân xuống sân bay Quốc tế King- Khalid, áo abaya lập tức trở thành trang phục khi ra đường của tôi trong suốt 2 tháng tại đây.  Áo Abaya là áo choàng đen dành cho phụ nữ Hồi giáo và cả những du khách đến Ả Rập Xê Út cũng phải tuân thủ theo quy định mặc abaya của người Hồi .Giống như những tôn giáo khác trên thế giới,  đạo thiên chúa có cha cố- Chúa, phật giáo có sư thầy- Phật tổ, những hiện thân của nền tín ngưỡng, ở xứ Hồi có cảnh sát tôn giáo “ Mutawa”- thánh Allah, “ Mutawa” thường đi giám sát sự tuân thủ các nguyên tắc Hồi giáo ở những nơi công cộng để nhắc nhở người dân và du khách nước ngoài nếu có sai sót. Cảnh sát tôn giáo Mutawa nhận được sự kính trọng cao trong xã hội Hồi giáo.

Cầu nguyện
Một ngày người Hồi sẽ cầu nguyện 5 lần, mỗi lần từ 5 đến 10 phút, trong thời gian cầu nguyên “ salah” mọi hoạt động buôn bán, siêu thị, nhà hàng dừng hoàn toàn nên sẽ phải tránh những giờ này đi ăn uống hay mua sắm. Có một mẹo đi chợ là cứ vào trước salah vài phút để bị “ nhốt” trong siêu thị, chọn đồ trong lúc người Hồi cầu nguyện, hết giờ ra thanh toán là vừa. Ở mọi nơi công cộng trên đất Hồi giáo đều có phòng cầu nguyện được xây riêng hoặc ghép cùng với nhà vệ sinh.

Văn hóa Hồi giáo

Quan niệm nam nữ tách biệt hiện hữu trong đời sống hàng ngày cho đến cách tiếp đón khách đến nhà và ngay trong cả lễ cưới của người Hồi giáo. Một trong những điều kiêng kị khi đến Ả Rập Xê Út đó là chụp ảnh phụ nữ Hồi giáo, trừ khi họ đồng ý nhưng cũng rất hiếm.  Đối văn hóa đón tiếp khách khứa của người hồi, ngay khi bước vào căn nhà người Hồi, đàn ông đi cửa riêng để tiến đến gian phòng riêng cho nam giới, phụ nữ sẽ ngồi cùng nhau trong một phòng khách khác, trong suốt buổi đến chơi phụ nữ và đàn ông sẽ không được sang phòng khách của nhau, bữa ăn cũng chia làm 2 mâm 2 nơi tách biệt. Đối với người Việt, "miếng trầu là đầu câu chuyện" thì đối với người Hồi, màn tiếp khách đầu sẽ là món chà là, kẹo socola, cafe và trà. Ngôi nhà Hồi giáo đầu tiên mình đến là nhà ông Rowali vào dịp lễ Hajj và ăn bốc cơm cừu. Gia chủ phải rất quý khách mới mời bạn cơm cừu, đây cũng là món cơm truyền thống của người Hồi giáo. Cơm cừu Kabsa được đặt trên một chiếc mâm to, ăn một bữa chẳng hết được nhưng lúc nào cũng đầy ắp như vậy. Cách chế biến cơm cừu cùa người Hồi cũng  rất độc đáo, có thể đặt ở nhà hàng hoặc tự nấu, thịt cừu được hầm trong nhiều tiếng để không bị hôi mùi thịt , hạt cơm tách rời được chế biến với các phụ gia có màu vàng ươm cùng các loại  rau củ khác. Mọi người sẽ ngồi quanh tròn quanh mâm cơm cừu, uống sữa chua dê & một phần salad. Dịp lễ Hajj là một dịp lễ quan trọng đối với người Hồi giáo, họ sẽ trang trí nhà cửa  và chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn cho gia đình và khách khứa đến chơi. Văn hóa truyền thống trong dịp lễ này trong những gia đình Ả Rập là cùng gặp gỡ đoàn tụ tại nhà của trưởng họ. Sau khi dùng bữa ăn đặc biệt của lễ Hajj, trẻ em sẽ xếp hàng trước mặt người lớn trong nhà và được phát tiền như một món quà, giống với phong tục phát bao lì xì ở Việt Nam. Ngoài ra, những thành viên lớn trong gia đình còn chuẩn bị những túi quà trang trí đẹp mắt gồm kẹo và đồ chơi để tặng cho trẻ con trong nhà. Những cửa hàng tại Saudi trong ngày lễ này cũng có những khuyến mại đặc biệt cho người dân khi mua hàng. Dịp lễ mang tinh thần của lòng tốt bụng và rộng lượng, những người dân sẽ chào hỏi người lạ mặt mà ngẫu nhiên họ gặp hoặc thậm chí trong lúc chờ đèn đỏ. Trẻ em cũng có thể nhận được quà và đồ chơi từ những người lạ. Tại một số vùng, người Saudi sẽ mua một số lượng lớn gạo và yếu phẩm đặt trước cửa nhà dành cho những người kém may mắn. Ở nhiều thành phố lớn của Ả Rập Xê Út, mỗi tối sẽ có những màn pháo hoa lớn trình diễn.


Văn hóa Trung Đông nói chung và văn hóa Ả Rập Xê Út nói riêng mang nhiều nét tín ngưỡng thiêng liêng được gìn giữ dưới những nguyên tắc Hồi giáo nghiêm ngặt. Mang sự khác biệt về đức tin nhưng sự thân thiện, lòng tốt bụng có thể thấy rõ ở những con người nơi đây. Trong chuyến hành trình của mình không ít lần trên đường đi cần hỏi đường, những người bản địa không quen ở đây đã rất nhiệt tình dừng xe chỉ đường hay thậm chí lái xe dẫn đi khiến tôi cảm nhận thấy sự nồng ấm và chân chất trong  họ.  Ngoài những hiểu biết về một nền văn hóa khác biệt, trải nghiệm cắm trại ban đêm ở sa mạc dưới hàng ngàn ngôi sao trên trời sẽ trở thành một trong những kí ức  lãng mạn và đẹp đẽ nhất trong những miền đất tôi đã đặt chân đến.  Hoạt động cắm trại trên sa mạc dưới đêm cũng là nét văn hóa tinh thần của người dân Ả Rập Xê Út. Các buổi cắm trại trên sa mạc cũng được “ đầu tư” rất kĩ lưỡng bằng việc dựng lều kiên cố, mang theo bình ga, thùng nước và thực phẩm nấu nướng tại chỗ. Họ ngồi cùng nhau trò chuyện ăn uống, đốt lửa sưởi và cùng ngắm trăng cho đến đêm khuya.   Đời sống tĩnh tại và gắn kết bền chặt qua những hoạt động gia đình và bạn bè như vậy. 

Lê Nguyễn Bảo Khánh- Báo Sinh viên Việt Nam 








No comments:

Post a Comment